Hàng ngày, cạnh khu phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) dưới các con kênh nước đen ngòm có hàng ngàn bước chân nặng trĩu lặn lội dưới sình lầy để bắt từng con cua, con cá kiếm sống.
Trĩu nặng chân trần lội sình bắt cua dưới cái nắng chói chang. Ảnh: Du Nguyễn. |
Một ngày bắt cua bằng ba ngày gánh lúa
Thủy triều vừa rút, hàng chục người săn cua dưới chân cầu Ánh Sao, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, bắt đầu cuộc mưu sinh đầy cực nhọc của mình. Cả chục người đàn ông, đàn bà cầm móc câu, móc sắt và chiếc thùng nhựa trên tay hối hả đi về hướng các con kênh, con rạch để lùng bắt những con cua, con cá đang lẩn trốn. Những đôi chân trần bám đầy bùn đất thoăn thoắt lướt đi nhẹ nhàng trong vũng bùn keo đặc sệt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Gần 10 phút lặn lội mải mê tìm kiếm, anh Nguyễn Thanh Luân (35 tuổi) quê Cần Giuộc, Long An, loay hoay một hồi mới thò móc câu xuống hang và kéo được một con cua nhỏ ẩn nấp sâu bên dưới lớp bùn, nhanh nhẹn thả vào giỏ. Anh bảo: “Lúc thủy triều dâng cao là lúc cua đi kiếm các động vật phù du để ăn, khi nước rút là chúng lui về đào hang dưới lớp bùn rồi chui vào ẩn nấp. Chỗ nào có dấu bùn trồi lên thành đụn nhỏ là mình dùng móc sắt thọc xuống để lôi cổ chúng lên”. Nói về nghề bắt cua, anh chia sẻ không ít kinh nghiệm: “Những con cua lớn thì hết sức cẩn thận, phải thò tay xuống hang để cảm nhận phần mu của cua, rồi nhấn mạnh chúng xuống bùn mới bắt được. Phải nhanh, nếu sơ xuất là bị chúng kẹp đứt tay ngay. Chưa kể, nhiều lúc thò tay vào hang bị rắn nằm trong đó cắn đau đến thót tim, nhiều người bị rắn cắn dẫn đến nhiễm trùng sợ quá họ bỏ nghề luôn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người đi bắt cua đều ở các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai...Mỗi ngày cứ khoảng 5 giờ sáng là họ rủ nhau về quận 7 và huyện Nhà Bè để bắt đầu công việc săn cua, cá. Các con kênh, rạch ở đây dù bẩn nhưng không chỗ nào sót được dấu chân nhọc nhằn của đội quân bắt cua ở tỉnh lẻ.
Cánh bắt cua bảo, cua ở khu vực quận 7 và Nhà Bè chắc thịt và có gạch nhiều. Một kilôgram cua lớn bán buôn khoảng 180.000 đồng, còn cua nhỏ thì rẻ hơn. Không chỉ cua, gặp con gì họ cũng bắt hết để kiếm thêm thu nhập. Lúc thủy triều rút nhiều thứ mắc cạn lại giúp họ tăng thêm chút đỉnh tiền bạc. “Tính ra thu nhập một ngày ở đây bằng 3 ngày đi gánh lúa mướn ở dưới quê. Nhưng nghề này phải gánh chịu nhiều tai nạn và bệnh tật lắm. Mỗi ngày lội chân trần dưới bùn 7 - 8 tiếng đồng hồ, mùi nước sông bị ô nhiễm xông lên mũi nên hầu hết đều bị viêm xoang và bệnh phổi. Còn việc giẫm phải mảnh sành, các kim loại gỉ sét thì như cơm bữa. Từ ngày vợ tôi giẫm phải miếng sắt gỉ sét bị nhiễm trùng, điều trị gần 5 triệu tiền thuốc men thì bỏ nghề này luôn và chuyển sang đi bán vé số”, anh Phan Tuấn quê Tiền Giang, nói.
Bắt cua nuôi hai con đại học
Dưới cái nắng hầm hầm oi bức của buổi trưa, anh Dương Tấn Đạt (44 tuổi) quê Long An cho biết, mình gắn bó với cái nghề này cũng gần 4 năm nay. Ngày trước mỗi khi mặt trời bắt đầu ló dạng ở phía Đông là vợ chồng anh tíu tít mang theo cơm nước rồi đèo nhau trên chiếc xe đạp lên thành phố bắt cua. Từ khi chị Hoa - vợ anh - bị bệnh phổi hoành hành thì chị mới phải bỏ nghề và quay về công việc đồng áng nhọc nhằn ở miền quê nghèo.
Anh Đạt tâm sự: “Ở quê mình không đủ đất để trồng trọt, chăn nuôi, nếu đi thuê lại hay đi làm mướn cho chủ thì còn khổ hơn nghề bắt cua gấp 10 lần, mà thu nhập không cách nào đủ nuôi hai đứa con đang học đại học. Cũng nhờ cái nghề bắt cua này mà mỗi tháng vợ chồng hết phải chạy đôn chạy đáo cùng làng cuối xóm để vay mượn tiền bạc để đưa lũ trẻ đi đóng tiền học phí. Giờ chỉ mong chúng ra trường có công việc ổn định là tôi sẽ bỏ nghề để cùng vợ đi bệnh viện điều trị dứt bệnh tật”.
Mặt trời đứng bóng, những bãi sình lầy dưới các con kênh, rạch chảy qua khu biệt thự triệu đô Phú Mỹ Hưng, quận 7, bắt đầu khô cứng, mặc cho lớp trên cùng của bùn nứt nẻ bởi nắng nóng, nhưng vẫn không làm chùn bước những đôi chân trần của các thân phận cơ hàn ngừng công việc lặn lội mưu sinh khốn khó.
Đứng dưới sình hớp vội ngụm nước lọc mang theo từ dưới quê lên, anh Võ Tuấn (36 tuổi) quê Bình Dương, nhìn vào giỏ nhựa đựng cua cười nói: “Bao nhiêu đây chắc xíu bán được 250 ngàn đồng, ngày nào cũng trúng mánh như hôm nay thì hay biết mấy, có bữa lặn lội gần chục cây số nhưng bán chưa được năm mươi ngàn, không đủ tiền xăng lên xuống…”.
Mặt trời chếch bóng, thủy triều bắt đầu dâng, trước mặt những căn biệt thự, tòa cao ốc ở nơi đây bắt đầu rực rỡ ánh đèn điện. Trong khi đó, ven các con kênh, những người mưu sinh trên sình lầy vẫn cố nán lại bên dòng nước đen ngòm để hi vọng kiếm thêm cho mình chút đỉnh thu nhập.
Du Nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét